Tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được nghe phổ biến một số văn bản Luật mới như: Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); Luật Trưng cầu ý dân.
Theo đó, Luật An toàn, vệ sinh lao động có 7 chương, 93 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Một số điểm mới của Luật An toàn, vệ sinh lao động: Luật ATVSLĐ 2015 đã mở rộng đối tượng hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phù hợp với đối tượng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc bao gồm cả khi người lao động đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động, nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, như nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.
Luật ATVSLĐ 2015 đã mở rộng chế độ chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với người lao động theo hợp đồng bổ sung hai chính sách mới hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt, tối đa 1%; chế độ bảo hiểm về bệnh nghề nghiệp sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi giao kết nhiều hợp đồng lao động bị tai nạn lao động và bảo vệ quyền, lợi ích cho lao động khi nhận công việc về nhà làm.
Luật Trưng cầu ý dân có có 8 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Một số điểm đáng chú ý của Luật ra đời nhằm kịp thời thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước. Nhà nước trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân đều là những hình thức để người dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí của mình, nhưng so với hình thức lấy ý kiến nhân dân thì hình thức trưng cầu ý dân có sự khác nhau về nội dung, hình thức và đặc biệt giá trị pháp lý của nó. Vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định. Việc trưng cầu ý dân phải được thực hiện bằng phiếu kín (với quy trình tương tự như việc bầu cử). Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu. Đối tượng của trưng cầu ý dân là cử tri. Theo Điều 6 của Luật Trưng cầu ý dân thì Quốc hội có quyền xem xét đưa ra trưng cầu ý dân những vấn đề sau đây: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân; trừ các trường hợp: Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự (trường hợp đã có tên trong danh sách cử tri nhưng đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu thì bị kết án tử hình hoặc phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi cũng không được bỏ phiếu trưng cầu ý dân).
Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Luật Trưng cầu ý dân quy định: Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này phải được ít nhất hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân…
Cũng tại Hội nghị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Sở đã được nghe phổ biến một số thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, kết quả chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại tỉnh vừa qua.
Tác giả: Thanh Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn