Trong năm qua, lĩnh vực thông tin và truyền thông của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được đầu tư xây dựng khá hiện đại và rộng khắp đến cả các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Trên lĩnh vực quản lý, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật và 08 quy hoạch, đề án, kế hoạch về phát triển Bưu chính; Viễn thông; Công nghệ thông tin; Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; Phát thanh - Truyền hình; Báo chí; Xuất bản; Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước...
Tình hình ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đã được nhân rộng tại các cấp, các ngành. Hiện nay, 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã có hệ thống mạng nội bộ; 100% các cơ quan đều được trang bị máy tính để phục vụ công việc; 90% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 84% cán bộ, công chức cấp huyện được trang bị máy tính cho công việc; 100% các cơ quan cấp tỉnh, 80% cơ quan cấp huyện có kết nối Internet băng rộng; số lượng máy tính được kết nối Internet cấp tỉnh là 95%, cấp huyện là 82%; mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được triển khai đến tất cả các cơ quan. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai, xây dựng với 17 điểm cầu, qua đó đã giúp công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh được nhanh chóng, kịp thời.
Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với công nghệ hiện đại, chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Toàn tỉnh hiện 26 tổng đài vệ tinh và 27 trạm chuyển mạch điện thoại cố định với 7.665 thuê bao (bao gồm cố định hữu tuyến, cố định vô tuyến, vô tuyến nội thị); tổng số trạm BTS là 679 trạm (410 trạm 2G và 269 trạm 3G), với 364.742 thuê bao điện thoại di động. Cùng với việc đảm bảo an ninh thông tin liên lạc, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã có sự phối hợp, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, người dân được thụ hưởng các sản phẩm, dịch vụ mới giá rẻ, chất lượng cao.
Thông tin đã về tới vùng cao.
Cùng với đó, Sở đã làm tốt công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý hoạt động báo chí. Các cơ quan báo chí thực hiện đúng nội dung tuyên truyền theo định hướng, thông tin kịp thời, chính xác, trung thực và khách quan các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh; thực hiện tốt Luật báo chí và các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh với hơn 2.380 tin bài. Đặc biệt tuyên truyền đậm nét về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch; Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2016… đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tham mưu ban hành Kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại tỉnh Lai Châu năm 2016. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tốt các lớp tập huấn công tác thông tin đối ngoại, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Công tác phát hành sách, văn hoá phẩm được chú trọng, có nội dung tư tưởng tốt, hình thức hấp dẫn góp phần phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin của Nhân dân trong tỉnh. Trong năm số lượng sách, văn hóa phẩm phát hành ước đạt 64.864. Năm 2016, Sở đã tổ chức thành công Ngày Hội sách và Văn hóa đọc với quy mô khoảng 2.500 đầu sách các loại, 10.000 bản sách được trưng bày, thu hút khoảng 6.000 bạn đọc đến xem, tham khảo và mua.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT của tỉnh được chú trọng, nhất là việc đào tạo cán bộ chuyên trách CNTT, nâng cao khả năng làm chủ công nghệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Trong năm, Sở đã tổ chức giảng dạy, thi và cấp chứng chỉ cho 23 lớp Tin học văn phòng trình độ B với 575 học viên; xây dựng bộ giáo trình giảng dạy theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT, ngày 11/3/2014 về Quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; tìm hiểu, nghiên cứu về phần mềm Test Online đưa vào quản lý và tổ chức thi trắc nghiệm trên mạng LAN...
Cùng với đó là thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm về lĩnh vực thông tin và truyền thông. Từng bước nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện quản lý về thông tin và truyền thông, đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức, có năng lực sáng tạo, yêu nghề, đoàn kết, thống nhất; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong ngành, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Triển khai có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành của đơn vị như: Sử dụng hệ thống Quản lý văn bản điều hành, hệ thống Thư điện tử nhằm giảm chi phí quản lý hành chính, tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm thời gian xử lý công việc, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Với những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực quản lý, có thể tin tưởng rằng Ngành thông tin và truyền thông Lai Châu sẽ tiếp tục phát triển và có nhiều bước đột phá hơn nữa trong năm 2017.
Tác giả: Đinh Lan - Sở Thông tin và Truyền thông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn