Quang cảnh Hội nghị
Về chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAR INDEX): Chỉ số PAR INDEX là chỉ số cải cách hành chính, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Lai Châu năm 2023 đạt 85,78 điểm, giảm 0,51 điểm so với năm 2022, xếp vị trí thứ 49/63 tỉnh, thành phố, giảm 25 hạng so với năm 2022. Trong đó, điểm thẩm định đạt 59,79/68,0 điểm; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học đạt 25,98/32,0 điểm, tăng 0,18% so với năm 2022. Trong 8 Chỉ số thành phần đánh giá Chỉ số PAR INDEX năm 2023, thì tỉnh Lai Châu có 2/8 chỉ số thành phần tăng hạng là: Công tác chỉ đạo, điều hành tăng 24 hạng, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; Cải cách thủ tục hành chính tăng 27 hạng, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Có 6/8 chỉ số thành phần giảm hạng, trong đó chỉ số thành phần tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội giảm nhiều nhất là 29 hạng so với năm 2022.
Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI): Chỉ số PAPI là thước đo định lượng thường niên về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương trên phạm vi toàn quốc. Chỉ số PAPI cung cấp dữ liệu và dẫn chứng phản ánh hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong tám lĩnh vực nội dung: (1) Công khai, minh bạch; (2) Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; (3) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (4) Thủ tục hành chính công; (5) Cung ứng dịch vụ công; (6) Quản trị môi trường; (7) Quản trị điện tử; (8) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Những người dân tham gia khảo sát PAPI của tỉnh Lai Châu là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, thuộc nhiều thành phần nhân khẩu học khác nhau, được chọn ngẫu nhiên từ 12 bản/tổ dân phố thuộc 12 xã, phường, thị trấn của huyện Tam Đường, huyện Phong Thổ và thành phố Lai Châu. Kết quả công bố, tỉnh Lai Châu đạt 43,6223 điểm xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố và đứng trong tốp 20 toàn quốc, đứng đầu khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc; tăng 09 bậc so với năm 2022. Trong 08 chỉ số thành phần điều tra, có 7/8 chỉ số thành phần tỉnh Lai Châu tăng điểm so với năm 2022, mức tăng từ 0,11 đến 0,39 điểm. 01 chỉ số thành phần giảm điểm - Chỉ số thành phần tham gia của người dân ở cấp cơ sở -giảm 0,61 điểm.
Về chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS): Chỉ số hài lòng năm 2023 đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện thông qua đo lường sự hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công (thực hiện với 9 nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách nước sinh hoạt; chính sách điện sinh hoạt; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách an sinh, xã hội; chính sách cải cách hành chính nhà nước) và việc cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước. Kết quả do Bộ Nội vụ công bố, Chỉ số hài lòng tỉnh Lai Châu đạt 79,82%, xếp thứ tự 50/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,48% và giảm 15 hạng so với năm 2022.
Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được tổ chức điều tra đánh giá trên 10 chỉ số thành phần gồm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động; Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Kết quả tỉnh Lai Châu được 66,48 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh thành, tăng 22 bậc so với năm 2022. Trong số 10 Chỉ số thành phần (CSTP) được đánh giá, thì có 07 CSTP tăng hạng; có 03 CSTP giảm thứ hạng đó là: Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Đào tạo lao động.
Bên cạnh công bố các chỉ số của tỉnh, tại Hội nghị cũng công bố Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương tỉnh Lai Châu năm 2023.
Về chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các sở, ban, ngành tỉnh: Kết quả đánh giá năm 2023 cho thấy các đơn vị đứng ở nhóm có Chỉ số cải cách hành chính cao là các Sở: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ. Các đơn vị có Chỉ số thấp gồm các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công Thương và Thanh tra tỉnh. Theo kết quả đánh giá, Chỉ số cải cách hành chính trung bình của các sở, ban, ngành tỉnh năm 2023 đạt 79,42% - tăng 1,92% so với năm 2022, trong đó, điểm thẩm định trung bình tăng 1,59%, điểm đánh giá tác động của cải cách hành chính tăng 0.34%. So với năm 2022, có 14/20 sở, ngành có Chỉ số tăng, tăng nhiều nhất là Ban Dân tộc 8,11%, tiếp theo là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng 7,96%, Sở Thông tin và Truyền thông tăng 7,36%, Sở Xây dựng tăng 7,19%. Giảm nhiều nhất là Sở Ngoại vụ 9,58%, Sở Công Thương giảm 8,59%, Thanh tra tỉnh giảm 8,94%. Cụ thể xếp hạng cải cách hành chính năm 2023 của các sở, ban, ngành tỉnh như sau:
Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh lai châu năm 2023: Điểm số trung bình DDCI Lai Châu năm 2023 đạt 78,71 điểm giảm 0,82 điểm so với năm 2022. Trong đó, 21 Sở, ban, ngành đều thuộc nhóm điểm khá hoặc tốt, với dải điểm phân bổ trong khoảng từ 75,40 điểm đến 84,43 điểm. Đáng chú ý, không có đơn vị nào xếp hạng trung bình hoặc kém. Các Sở, ban, ngành có điểm số chênh lệch không quá lớn, bám khá sát nhau. Khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối chỉ là 9,03 điểm theo thang điểm 100. Điều này một mặt cho thấy chất lượng quản lý của các Sở, ban, ngành được đánh giá khá đồng đều một mặt cho thấy những thay đổi nhỏ về điểm số trong năm tới cũng có khả năng thay đổi điểm số và vươn lên của các Sở, ban, ngành. Cụ thể xếp hạng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh lai châu năm 2023 như sau:
Về chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Lai Châu năm 2023: Mức độ hài lòng của các sở năm 2023 được tổng hợp từ mức rất độ hài lòng, mức độ hài lòng, của người dân, tổ chức đối với 4 nội dung, gồm: (1) Thủ tục hành chính; (2) Công chức, viên chức; (3) Kết quả dịch vụ; (4) Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ hài lòng chung về sự phục vụ hành chính năm 2023 của các sở đạt 92,11% - giảm 1,47% so với năm 2022, trong đó tỷ lệ rất hài lòng đạt 50,49%, hài lòng đạt 41,62%. Mức độ hài lòng của các sở nằm trong khoảng 83,76%-100%, giá trị trung vị đạt 96,38%. Có 0,65% đánh giá không hài lòng ở các Sở: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông. Cụ thể xếp hạng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh lai châu năm 2023 như sau:
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh của các cấp chính quyền, tăng tiềm tin, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế nêu trên và tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, các cấp, các ngành bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, tích cực triển khai, đề xuất các sáng kiến mới các chủ trương biện pháp duy trì, cải thiện chỉ số và nâng cao các Chỉ số.
Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thể chế, thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới văn bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, địa phương. Tiếp thu đầy đủ và cụ thể hóa những đề xuất, khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để làm cơ sở tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách của tỉnh theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại” vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Ba là, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở tất cả các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã; quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ, thống nhất cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận “Một cửa” các cấp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bốn là, Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức, viên chức; xây dựng và triển khai thật tốt văn hóa công vụ và văn hóa công sở ở mỗi cơ quan, để đạo đức công vụ thấm sâu vào trong ý thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và chuyển hóa từ bắt buộc, tự phát đến tự giác, tạo thành một nền nếp, thói quen đẹp trong hoạt động công vụ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để cán bộ, công chức càng cấp cao thì càng phải nêu gương, cần phải thận trọng trong hành vi ứng xử, tác phong công tác và hiệu quả hoạt động công việc.
Năm là, tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả các tiêu chí Chỉ số xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Bảy là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Tám là, tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh. Thường xuyên tổ chức đối thoại với Doanh nghiệp, Hợp tác xã để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách.
Tác giả: Ngọc Lan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn